Ứng dụng Tâm lý học coaching

Xem thêm thông tin: Coaching § Ứng_dụng

Thể thao

Tâm lý học coaching có ý nghĩa rất lớn đối với phương pháp huấn luyện thể thao,[18] không chỉ nhằm cải thiện thành tích, mà còn vì mục tiêu phát triển toàn diện cho các vận động viên.[39] Các yếu tố ảnh hưởng đến sự phát triển của vận động viên được nghiên cứu dựa trên các lý thuyết về nhận thức, xã hội và cảm xúc.[40] Một nghiên cứu cho thấy lòng tự ái của vận động viên là một yếu tố tác động đến kỳ vọng về thành tích do huấn luyện viên đặt ra.[41] Việc nâng cao năng lực thể chất và tinh thần cũng được nghiên cứu cùng với các lý thuyết nhận thức-hành vi.[40] Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thiết lập mục tiêu hiệu quả sẽ góp phần cải thiện thành tích thể thao.[42] Ngoài ra, tự tin vào năng lực bản thân cũng là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của vận động viên.[40] Do đó, huấn luyện viên cần khuyến khích niềm tin này thông qua phản hồi tích cực, cũng như chính họ phải trở thành hình mẫu về sự tự tin vào bản thân.[43] Ngay cả niềm tin của chính huấn luyện viên về trình độ kỹ năng của họ trong việc huấn luyện cũng ảnh hưởng đến sự phát triển ở các vận động viên.[43]

Giáo dục

Tâm lý học coaching cũng có thể được áp dụng trong trường học,[37] qua việc đánh giá các phương pháp giáo dục học sinh hiệu quả nhất dựa trên lý thuyết tâm lý.[37] Ví dụ, các lý thuyết về động lực tập trung vào tác động của niềm tin vào chính mình và động lực đối với kết quả học tập của học sinh.[37] Việc tăng cường sự tự tin của người giáo viên cũng là một lĩnh vực nghiên cứu của các nhà tâm lý học coaching.[4] Tâm lý học huấn luyện cũng góp phần hướng dẫn học sinh, giáo viên và nhân viên trong việc thiết lập và đạt được mục tiêu.[44] Ngoài ra, các phương pháp huấn luyện như peer coaching (giáo viên đánh giá hiệu quả làm việc của nhau) cũng được khuyến khích nhằm tạo ra sự ủng hộ và tin tưởng giữa các nhà giáo dục.[45] Peer coaching trong lớp học cũng góp phần xây dựng một môi trường hợp tác cho học sinh, hỗ trợ quá trình học tập.[45][46]